(14/06/2014)
Buổi sáng trời vẫn se se lạnh như thế. Ngó ra ngoài đường thì đông vui tấp nập hơn hẳn tối qua. Hẳn rồi vì những con đường vắng toe đêm qua giờ đã thành nơi họp chợ. Kẻ bán người mua, kẻ chửi người bới, rộn hết cả một góc phố. Không thể nhớ nổi đêm hôm đó đã ngủ lại nhà nào, có gì xảy ra mà chưa kịp ghi hay không... Xách xe ra ngoài thong dong một chút dọc theo con đường người ta đang họp chợ, coi như khởi động nhẹ trước khi hành xác tiếp. Ghé vào một quầy thuốc để mua thêm Oresol với C sủi dự trữ thêm.
Bài uống Oresol với C sủi mình chỉ mới học được của thằng bạn trước khi đi có mấy ngày, nó dặn qua qua, cũng ậm ừ rồi lên đường, nhớ có đoạn ở Thái Nguyên còn phải gọi về cho nó hỏi pha thế nào cho đúng. Với Oresol thì một gói (hình như là 20 hay 25g gì đấy không nhớ lắm) pha với 200ml nước, có thể pha loãng hơn cũng được nhưng không nên pha đậm hơn, có hại cho sức khoẻ. Chai nước thể thao mình mang theo là 600ml thì dùng 2 gói pha loãng ra. Cứ tầm 10-15ph hớp một ngụm nhỏ, hoặc có thể ngắn hơn tuỳ vào mức vận động. Không được chờ đến lúc nào khát mới uống mà phải uống liên tục có chu kỳ như thế, lúc khát có nghĩa là cơ thể đang thiếu nước sẵn rồi, lúc đấy uống thì phải mất một lúc nữa mới có tác dụng. Tác dụng là để bù nước và điện giải đã thoát qua mồ hôi. OK áp dụng bài này thấy dai sức rõ ràng hơn lần đạp xe về quê chỉ uống nước trắng với ... C2. Đó là tiếp nước trên đường, còn khi nghỉ dài ví dụ nghỉ ăn trưa hay nghỉ tối thì làm một viên C sủi để bù nhiều hơn.
Chị bán quầy thuốc xởi lởi thế, cứ cười suốt. Hết hỏi han chuyện mình đi đứng ra sao lại sang kể chị hay đi Ba Bể chơi, cũng hay xuống Hà Nội. Chị bảo Hà Nội bán cái gì cũng đắt, đắt gấp đôi so với trên này. Chị còn chỉ cho chỗ cây ATM, bảo lên đoạn trên không có cây nào đâu. May mà chị nhắc chứ không đạp lên lâu rồi. Cười tạm biệt chị rồi đi. Mình bao giờ cũng thế, toàn để người khác cười trước... Chạy ngang qua một nhà sửa xe máy bỗng có tiếng gọi với theo:
- Ê!!! Thanh niên đi đâu đấy?
- Cháu đi Cao Bằng!
- Đi nhanh đi không muộn!
Một vài niềm vui nho nhỏ để bắt đầu một ngày.
Trên đường đi phải lội qua mấy con suối ướt hết giày với quần. Suối gì chảy ngang qua đường, cũng chẳng thấy ai làm cái cầu nho nhỏ mà đi qua.
Đoạn đi qua một con sông nhỏ, có câu cầu treo bằng sắt bắc qua, đảm bảo là rung lắc hơn cầu Long Biên! Chỉ cần có một người nào đó đạp xe qua là đã rung bần bật lên rồi. Còn xe máy đi qua thì xác định là như đánh đu với Hà Bá!
Giữa trưa về chiều thì gặp một con dốc khá dài, chỉ có đi lên vài chục km, sau đó phải gấp rưỡi như thế mới ra đến QL34 có đường nhựa, thuộc Nà Han. Leo được tầm 2km thì nhảy xuống dắt bộ, không thấy đoạn xuống dốc đâu, trời nắng giữa trưa cứ đi mãi thế mà không biết còn bao xa, nhìn bản đồ cũng chịu. Đang dắt bộ đến một đoạn cua gấp thì gặp một cậu thanh niên đang ngồi vệ cỏ bên đường nhắn tin. Hỏi cậu ta xem sắp hết con dốc này chưa, cậu chỉ tay vào mấy cái cột điện xa xa rồi bảo còn một giờ đi bộ mới hết dốc. Nhìn theo hướng tay cậu chỉ thấy mấy cây cột điện thật, cậu bảo nhìn gần thế thôi nhưng đi vòng xa lắm. Nản quá, ngồi bệt xuống bãi cỏ bắt chuyện với cậu luôn.
Cậu này người Mông, sinh năm 91 bằng mình mà đã có vợ với 3 đứa con, đứa lớn mới vào lớp 1, hai đứa em còn nhỏ. Lấy vợ sớm nên mới học đến lớp 8. Cậu đang chờ anh rể đi qua đưa tiền cho. Thấy mình dắt xe nhăn nhó hết cả mặt, cậu bảo chờ anh rể cậu qua rồi nhờ anh ấy chở qua dốc. Cũng ậm ừ nhưng chưa biết thế nào...
Kể lại cho cậu nghe mấy lần vào xin ngủ ở nhà dân không được, cậu bảo ở dưới đấy người ta không cho đâu, cái gì cũng phải có tiền. Ở trên núi cao này có nhiều người Mông, người Dao theo đạo Tin Lành nên họ tốt lắm, giúp không lấy tiền. Chứ người Tày với người Sán thì họ không giúp không. Muốn uống nước hay ăn cơm đều phải có tiền. Còn người Dao, người Mông thì mình xin là được, nhưng trả tiền để mua thì không bán, chỉ xin thôi thì dân cho thoải mái. Cậu cũng kể ngày xưa đi học đạp xe 2 tiếng từ nhà trọ đến trường. Mang tiếng là đi trọ cho gần nhưng đường vẫn còn xa như thế, mình đi đường thấy thi thoảng mới gặp một cái nhà dân thì trọ xa cũng dễ hiểu. Cậu còn cho biết lên Nà Han có xe khách đi Bảo Lâm, đi Hà Giang. Cũng ậm ừ, nhưng trong đầu đang tính hay là đi xe khách qua những vùng mà không có điểm đến nào cả, tiết kiệm thời gian. Lát sau có người đi xe máy đến, phía sau chở một người nữa, đến đưa tiền cho cậu. Họ nói tiếng Mông không hiểu gì, nhưng qua động tác thì cũng hiểu nôm na là cái sự việc mà “nhờ anh rể chở qua dốc”, có vẻ không thuận lợi cho lắm. Lúc sau hai người đó rời đi, cậu mới bảo anh rể đi chơi rồi. Hơi buồn chút vì hi vọng nhanh chóng vượt qua con đèo này đã tiêu tan.
Mình hỏi cậu ấy là nếu có người đi xe máy ngang qua mà đi một mình, thì có nhờ được không? Cậu bảo được, nhờ dễ mà, cứ giúp nhau thôi, còn không lấy tiền. Nói chuyện một lúc nữa thì có một anh đi một mình đi từ dưới dốc lên. Cậu đứng phắt dậy chủ động gọi anh ấy lại. Họ lại nói tiếng Mông, nhưng nghe loáng thoáng có từ “Nà Han”, “xe đạp”, “Hà Nội”... Thấy anh nọ gật gật đầu, ruột gan như nhảy múa trong bụng. Cậu bảo rằng bây giờ mình sẽ lái, còn anh ấy ngồi sau vác xe đạp. Cứ lái đến tận Nà Han cũng được, anh ấy cũng tiện đường lên đó. Thế là mình tháo cái balô buộc ở yên sau ra đặt vào phía trước lấy đùi ôm lấy. Còn anh thì ngồi sau luồn vai qua khung xe rồi vác lên. Nổ máy chuẩn bị đi thì quay sang hỏi cậu là anh có biết tiếng Kinh không? Cậu bảo nói được ít, nhưng nghe là hiểu được hết ấy mà. Cũng kịp hỏi tên cậu luôn, cậu tên Sinh. Rồi cảm ơn cậu và bắt đầu rú ga lên dốc bằng số 1.
À lúc nãy đang ngồi nói chuyện với Sinh, cậu ấy cứ loay hoay với cái điện thoại, vẻ mặt khó chịu lắm. Gọi cho tổng đài Viettel mình ngồi bên còn nghe rõ: “Tài khoản của quý khách là hai mươi bốn đồng”. Mình mới hỏi còn ít tiền thế này sao gọi cho ai được, hình như cậu ta đang chờ ai đó đến chở về (lúc sau thì mới biết là anh rể như ở trên), nhưng lâu quá, mà điện thoại hết tiền. Bảo cậu ấy là để mình chuyển cho ít lấy cái mà liên lạc. Rồi mình chuyển cho Sinh 10.000 đồng. Tài khoản mình cũng không còn nhiều nên chỉ được có vậy. Rồi đến lúc mình chuẩn bị rú ga leo dốc, cậu còn định trả tiền, mình bảo thôi, giúp nhau thôi mà.
Vậy là mình lái xe lên dốc. Đúng là anh ấy không nói được nhiều tiếng Kinh. Hỏi anh nhà ở đâu, anh bảo ở Sơn Lộ (là khu vực phía dưới con dốc oái oăm này). Thế anh lên đây làm gì, anh ngập ngừng, lúng búng không thành câu ở trong miệng, rồi mới nói “không biết trả lời”. Mình cười. Anh cũng cười. Nhìn anh hiền khô, hẳn là người lao động chân tay với làn da đen choay, khuôn mặt khắc khổ, quần áo lấm lem, người nhỏ thó, gầy đét. Có những câu mình hỏi mà anh không hiểu, anh toàn trả lời “dạ vâng.”. May mà anh hiểu câu “khi nào đến nơi thì anh bảo nhé!”. Hỏi tên anh là gì, cũng không khá hơn. Anh đọc tên lên nghe như tiếng Mông, mình không hiểu được. Hai anh em sau đó cứ thế lặng lẽ leo dốc rồi lại tụt dốc, thi thoảng anh nhắc về số, tại mình chưa quen đi xe máy đường đèo. Xe đạp của mình là khung sắt bình thường nên cũng khá nặng, anh phải đổi tư thế liên tục để giữ cái xe chắc chắn trên vai. Lên đến ngã ba giao cắt với QL34, cũng chính Nà Han ở đây. Cố hỏi tên anh lần nữa. Anh lại nói thứ tiếng của anh, nhưng lần này có đánh vần, mình cố gắng hiểu vào đánh vần theo thì ra được tên anh là Thà, thờ a tha huyền Thà. Mình đọc lại tên anh mấy lần để anh gật đầu xác nhận. Cảm ơn anh Thà rồi chúc anh đi cẩn thận, anh lại lúng búng: “anh giúp ... giúp anh em ... mà ... giúp đỡ ... không ...” Không thể luận ra và cũng không thể nhớ được, vì anh nói chưa sõi. Ừ thì chỉ tạm hiểu “anh em giúp nhau thôi mà, không có gì”.
Từ đây lên Bảo Lạc tầm 30km, đã gần 5 rưỡi rồi nhưng vẫn cố đạp. Và tất nhiên đến 7 rưỡi 8 giờ thì trời tối đen như mực, thi thoảng mới có cái xe máy đi qua, thi thoảng gặp ánh đèn điện le lói của một nhà nào đó xa xa, chắc họ đang quây quần ăn cơm, nhưng thế cũng đủ để mình cảm thấy không đơn độc, kiểu như nhỡ có chuyện gì thì vẫn có ánh đèn nhà nào ở phía xa... Chỉ nhớ mang máng tối hôm đó đi vào đoạn đường rất dài đang thi công, đất đá còn lổn ngổn, đạp xe mà cứ chồm chồm như ếch. Còn lại, bóng tối như nuốt chửng lấy cả người và xe...