Ban đầu tớ mua Người tình Sputnik vì tò mò về nội dung của nó qua mấy trang đầu: đồng tính nữ, còn trước nội dung là cái bìa: sexy 😀
Cuốn sách này tuy nói về tình yêu, phải nói là lằng nhằng dây mơ rễ má giữa các nhân vật chính với nhau, mà nổi bật nhất là tình yêu của Sumire dành cho người tình sputnik của mình, một phụ nữ lớn tuổi, đã có gia đình. Nhưng đằng sau nó, nếu đứng lùi lại ra xa một chút, sẽ thấy nó là một câu chuyện đầy trăn trở, về việc mỗi người chúng ta, là ai trong cuộc sống này? Tại sao lại thế?
Trong truyện có một vài chi tiết hư cấu, như việc Miu nhìn thấy bản sao của chính mình đang làm tình say sưa với anh chàng ngoại quốc trong căn hộ (cũng) của chính mình, qua ống nhòm, trong khi cô lại đang mắc kẹt trên đu quay giữa đêm, mà chính sáng hôm sau, người gác đu quay xác nhận không có ai mua vé đu quay vào giờ muộn như thế cả, và tóc Miu, phiên bản Miu ở trên đu quay, đã bạc hết chỉ sau một đêm. Tớ đọc chỗ đó khó hiểu quá, không nghĩ một tiểu thuyết “đời thường” lại đưa vào những thứ không giải thích được. Tớ luôn dùng những cái logic thực tế để giải thích hư cấu, và nhiều khi thầm trách tác giả viết ma mị, thần bí quá, viết như thế để được cái gì?
Tớ đã nhầm. Câu chuyện hoàn chỉnh về ba nhân vật chính. Đều có thể thấy là mỗi người đều đấu tranh, dùng dằng giữa những bản ngã của chính mình, mà không biết chọn sống theo bản ngã nào, tự hỏi bản ngã nào mới là con người thật của mình? Những chi tiết hư cấu chẳng qua là để “vẽ” nên sự dùng dằng đó theo cách của tác giả. Cuối cùng, gấp sách lại, một cái kết mở, tớ có thể thấy đó là cái kết mở tươi sáng, khi mà bằng cách nào đó, Sumire đã trở về, Miu cũng đã trở về, dù lặng lẽ, và mỗi người dường như, cũng bằng cách nào đó, đã tìm thấy được ai mới là “tôi” thật của mình. Tác giả muốn người đọc tự tưởng tượng, tự giải thích về cú điện thoại bất ngờ của Sumire, về ý nghĩa của sự trở về đó. Cũng như lại đặt lên trong đầu mỗi người câu hỏi: Tôi là ai trong thế giới này? Và tôi đã tìm ra tôi chưa?