Tháng Tư này chúng ta có sách gì? Đọc được quyển nào thì khoe quyển đấy thôi, blah. Mình không tự nhận là mọt sách vì bản thân mình nghĩ mọt nó khủng khiếp lắm, ngấu nghiến sách, nuốt trôi sách, ăn vài quyển sách cùng lúc... Mình thì không được như thế nhưng thói quen đọc sách thì vẫn giữ, và đọc đều, có thể chậm, nhưng đều. Lúc nào hết một quyển mà không có gì để đọc nữa là thấy bứt rứt.
Thôi để xem hôm nay có gì nào!
Bạch dạ hành
Mình thích đọc tiểu thuyết trinh thám nên luôn ưu tiên đọc trước các thể loại khác :D Có lẽ là lần đầu đọc trinh thám Nhật Bản (trừ Conan), tác giả cuốn này là Higashino Keigo.
Cuốn sách mở đầu với hai vụ án mạng. Kosuke, chủ một tiệm cầm đồ bị sát hại tại một tòa nhà chưa thi công xong, một triệu yên mang theo người cũng bị cướp mất. Sau đó một tháng, nghi can Fumiyo được cho rằng có quan hệ tình ái với nạn nhân và đã sát hại ông để cướp một triệu yên, cũng chết tại nhà riêng vì ngộ độc khí ga. Vụ án mạng ông chủ tiệm cầm đồ rơi vào bế tắc và bị bỏ xó. Kể từ sau đó là hành trình dần dần lớn lên của con trai và con gái nạn nhân, Ryoji và Yukiho, với các sự việc xảy ra mà không rõ tại sao nó lại xảy ra.
Hai mảnh đời tưởng chẳng liên quan tới nhau nhưng càng về cuối truyện thì bạn có thể ố...á... mà đoán ra được chút chút. Ryoji luôn là người bên cạnh âm thầm bảo vệ Yukiho, như là quan hệ cộng sinh. Yukiho từ nhỏ đã là nạn nhân của nạn ấu dâm, đã biến Yukiho trở thành một phụ nữ đáng ghê tởm, sứt sẹo về tinh thần, Ryoji lại bên cạnh để ngầm loại bỏ những gã đàn ông muốn đến lại gần Yukiho. Họ không mắc nợ gì nhau. Nhưng tại sao bắt buộc phải "quan hệ cộng sinh"? Các bạn hãy đọc rồi tự rút ra câu trả lời vậy :D
Phía sau nghi can X
Cũng là một tác phẩm của Higashino Keigo, nhưng mạch truyện lại được dẫn đi theo một hướng khác. Yasuko đã li dị chồng được khá lâu rồi, nhưng gã chồng Togashi vẫn cứ đeo bám mãi hai mẹ con cô, luôn miệng nói là muốn nối lại tình xưa nhưng thực chất chỉ là muốn ngửa tay xin tiền người vợ cũ. Trong một tối Togashi đến căn hộ của Yasuko, một việc bất ngờ xảy ra đã khiến Yasuko không còn cách nào khác phải hạ sát Togashi, vì đứa con gái bé bỏng và cũng là vì chính mình. Đang hoang mang không biết xử lý cái xác như thế nào, thì anh hàng xóm sát vách, Ishigami đưa ra lời đề nghị giúp đỡ cô phi tang cái xác và xây dựng nên chứng cứ ngoại phạm hòng giúp cô thoát tội.
Đấy! Nó là như thế, nạn nhân đã rõ, hung thủ cũng đã rõ, vấn đề còn lại của cuốn sách là biểu diễn cho người đọc xem, một bên là cảnh sát liên tục điều tra tìm ra chân tướng vụ án, một bên là nghi can với sự giúp đỡ của Ishigami luồn lách khéo léo để đánh lạc hướng cảnh sát. Nhưng các bạn cứ yên tâm, nếu chỉ đơn giản rõ ràng như vậy thì không đáng nói, ở cuối câu chuyện còn một chi tiết bất ngờ khó tưởng tượng nổi. Đúng như Ishigami đã nói trong truyện, nhưng là về Toán, bởi anh là giáo viên dạy Toán và rất ham mê giải những bài toán khó trên thế giới: Bài toán nhìn có vẻ đơn giản nhưng nếu cứ suy nghĩ theo cách thông thường sẽ không thể tìm ra lời giải đúng.
Ngoài ra, ấn tượng khi đọc về cuối câu chuyện vẫn là nội tâm giằng xé của cả Ishigami lẫn Yasuko. Ishigami vì quá yêu Yasuko đã chấp nhận làm tất cả để nhận tội về mình, ra đầu thú, mong muốn Yasuko sống yên ổn phần đời còn lại. Còn Yasuko, nếu làm theo mong muốn của Ishigami thì thực sự cô không thể nào có một giây yên ổn trong tâm trí, khi có người mà vì mình đã phải chết, phải mang tội. Nhưng mặt khác nếu cô ra nhận tội, thì công sức mà thiên tài Ishigami bỏ ra để giúp cô thoát tội, coi như bỏ sông bỏ bể.
Mình còn phục tác giả về sự sáng tạo khi nghĩ ra một kiểu tạo chứng cứ ngoại phạm mà chưa từng được đọc ở đâu. Những chi tiết nhỏ tưởng như yên bình xuất hiện ở đầu truyện, lại là mấu chốt giúp khai thông vụ án về cuối. Nhưng đọc truyện Nhật thì thứ để lại ấn tượng cho mình chính là nội tâm nhân vật: u ám, lạc lối, buồn thảm, giằng xé... Mỗi tiểu thuyết Nhật đều có một chút trong mấy thứ trên, hoặc tất cả.
Gái phượt
Một hôm tình cờ vào Nhã Nam với đứa bạn, hắn lăng xăng dạo qua mấy giá sách rồi cầm quyển này vẫy vẫy, chắc vì cái tiêu đề. Mình đọc lướt mấy trang đầu thế là quyết định mua về luôn, mặc dù không có ý định vào Nhã Nam, càng không có ý định mua sách hôm đó.
Nhân vật chính trong sách là một đàn chị 8x trong giới phượt, có thể nói cũng là thế hệ phượt đầu tiên, thế hệ đã cho ra đời từ "phượt" được dùng phổ biến bây giờ. Cái thời phượt rất đơn giản chỉ với vài món đồ phòng thân, cái xe máy cà tàng, thông tin chỉ được truyền tai nhau tại chính những quán trà đá. Khi lên đường chỉ có trong tay tấm bản đồ giấy (Bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam), đi đến đâu nhìn bản đồ đến đấy, những chỗ nào bản đồ còn chưa kịp vẽ thì mở mồm ra hỏi. Chứ không có internet và smartphone lăm lăm trong tay như bây giờ. Đây chính là thế hệ đã góp phần rất nhiều vào việc tìm và mở ra những cung đường, những điểm đến truyền lại cho thế hệ sau này.
Cuốn sách mở đầu với những nhàm chán của một cô gái mới ra trường đi làm, một công việc nhạt nhẽo lặp đi lặp lại. Rồi bất ngờ bị cuốn vào thú vui đi phượt. Chị đi rất nhiều, từ Bắc vào Nam, lên núi xuống biển, ra nước ngoài, rồi lại về nước xuyên Việt. Đọc về cái thời mà chưa có smartphone, đường xá thì chưa mở, khu vực biên giới thủ tục nghiêm ngặt mới thấy mình đi "phượt" bây giờ còn dễ dàng và thoải mái chán. Rồi cả những lần "say nắng" nhau trên đường phượt, phần này các bạn đọc và tự cảm nhận, riêng mình thấy xót xa và buồn ghê lắm. Cả phần cuối kể về thời gian chị đã có con cũng thế. Yêu con nhưng vẫn chưa bao giờ hết yêu những chuyến đi. Vậy là chị chọn cả hai, cùng con làm bạn đồng hành đi đây đi đó. Nhìn chung là một cuốn sách chân thật, giản dị, đáng đọc cho những ai đã trót mê xê dịch.
Hãy sống và hạnh phúc theo cách của riêng mình