Leopold FC750R PD Sky Dolch

Mình rất ghét bàn phím cơ! Bàn phím đéo gì mà gõ lách tách chói tai, đèn bảy sắc cầu vồng nhấp nháy mỏi mắt, nói chung đéo được cái tích sự gì cả! Bọn chơi game hay mua về làm màu vậy thôi!

Đó là suy nghĩ của mình trước khi tìm hiểu về bàn phím cơ.

Hồi mình với thằng bạn còn ở chung, nó đã tậu một bộ PC về chơi game, trong đó có một cái bàn phím cơ gì đó nhấp nháy lung linh đẹp lắm. Nhưng mỗi tội nó hay chơi game đêm, thế là mình bị tra tấn bởi tiếng bàn phím của nó (sau này mới biết là tiếng clicky). Mình ám ảnh và ghét bàn phím cơ từ đó. Lúc đó thì mình vẫn đang dùng chiếc phím của Lenovo (phím cao su), mình mua với hy vọng cảm giác gõ của nó giống với chiếc ThinkPad mình có ở nhà. Nhưng không, dù cũng là của Lenovo nhưng cảm giác gõ không thể nào bằng ThinkPad.

Thế là lượn loanh quanh trên mạng tìm xem có chiếc phím nào giá ổn mà gõ cảm giác tốt không. Đang định mua một chiếc Fuhlen gì đó giả cơ, thì thằng em gửi ảnh khoe cái gì đó mình không nhớ, nhưng trong ảnh có lấp ló chiếc bàn phím của nó. Mình mới hỏi bàn phím này bao tiền thế. Nó bảo đấy là bàn phím custom, anh mới chơi thì chưa nên mua, em giới thiệu cho con phím này gõ rất thích, em đã từng xài cả năm: Leopold FC980M. Mình search thử và thấy bắt đầu hứng thú. Khi xem kỹ thì thấy layout của nó tuy khá đủ nhưng bất tiện ở 2 chức năng Home, End vẫn phải dùng phím tắt, mình mới search thêm các bàn phím khác của hãng Leopold, thì ra còn 2 loại mình khá ưng về layout, là 750 (loại TKL) và 900 (loại fullsize). Ngó nghiêng một lúc thì thấy ưng bản TKL hơn vì bàn phím số cũng rất ít khi dùng, phím điều hướng thì đủ cả. Sau đó mới hỏi thêm thằng em có loại nào gõ ít ồn không. Nó cũng mô tả sơ qua các loại switch, mình nghe cũng biết vậy thôi chứ mơ hồ lắm. Chỉ nhớ là Red gì đó gõ êm mà nhẹ.

Thế rồi cuối tuần mình xách giái đi ra GearVN ở Hà Nội. Hỏi thì trong kho họ chỉ còn đúng 2 chiếc của Leopold là 750R, với Red switch của Cherry. Bạn bán hàng đem ra một chiếc cho mình thử, mình ưng ngay khi màu của nó là màu Sky Dolch vì mình vốn thích màu xanh. Sau khi được tư vấn nhẹ nhàng một lúc thì mình chốt mua, với giá ưu đãi rẻ hơn giá niêm yết một chút. Vậy là với tư thế của một thằng gần như chưa biết gì về bàn phím cơ, mình đã quất ngay một chiếc phím cả đôi triệu đồng mà không đắn đo gì mấy.

Dưới đây mình chỉ chia sẻ cảm nhận cá nhân với góc nhìn là một người lần đầu dùng phím cơ, còn những chiếc phím của Leopold thì đã được cộng đồng công nhận rộng rãi rồi.

Leopold FC750R PD Sky Dolch
Toàn cảnh Leopold FC750R PD Sky Dolch

Thiết kế

Mình định mua chiếc phím này để dùng trên công ty nên không muốn màu sắc gì loè loẹt cả. Giữa một rừng bàn phím cơ dành cho chơi game với thiết kế hầm hố, đèn RGB lấp lánh thì Leopold họ lại thiết kế bàn phím rất cơ bản, rất cổ điển mà nhìn vẫn sang. Mình ưng ngay khi cầm lên nó nặng tay, chắc nịch, vuông vắn không có chi tiết thừa nào. Logo của Leopold họ cũng chỉ làm chìm xuống, cùng tông màu với vỏ.

Vỏ của bàn phím tuy làm bằng nhựa nhưng rất chắc chắn, không bị ọp ẹp. Cầm lên vặn hầu như chỉ biến dạng rất ít. Hiện tượng flex cũng không có (flex là hiện tượng khi nhấn một phím bất kỳ thì vùng diện tích xung quanh nó cũng bị lún xuống), tạo cảm giác đầm chắc khi gõ, nhất là gõ nhanh. Đây cũng là một điểm mình rất thích trên ThinkPad, tuy chỉ là laptop nhưng khung máy Lenovo làm rất chắc chắn, bằng hợp kim ma-giê đỡ bên dưới phím nên gõ rất chắc.

Logo chìm nhưng mỗi khi nhìn vào rất thích
Logo chìm nhưng mỗi khi nhìn vào rất thích

Mặt đáy mình ấn tượng với 3 đường đi dây, mình đã thử đường đi thẳng ở công ty, và đường sang trái khi dùng thử ở nhà, rất tiện. Tuy nhiên các khấc giữ dây không được chặt lắm, dây tương đối dễ bị tuột khỏi rãnh. Ngoài ra còn có các công tắc DIP switches dùng để đổi chỗ một vài cặp phím, mình đã thử nhưng không hợp lắm, vị trí như mặc định là OK rồi.

Mặt đáy với 3 đường đi dây và DIP Switches
Mặt đáy với 3 đường đi dây và DIP Switches

Trong phụ kiện đi kèm họ có cho sẵn một vài keycap thay thế để dùng trong trường hợp thay đổi DIP switches như trên, một đầu chuyển USB-PS/2, chắc cũng ít ai dùng. Và một chiếc key puller. Mình không đánh giá cao chiếc puller này lắm. Ngay từ khi ở cửa hàng mình đã thấy không ổn. Chiếc puller này có 2 càng rất cứng, muốn nhổ keycap lên thì phải ấn mạnh xuống cho 2 càng móc vào keycap, nhưng vì càng rất cứng nên nhấn xuống tạo ra tiếng rất lớn do bật mạnh, mình mường tượng ra cảnh hoặc là gãy càng, hoặc là vỡ keycap. Và thực tế thằng em mình cũng đã bị vỡ keycap do dùng chiếc puller này, mặc dù là keycap PBT. Khuyên mọi người dù mới chơi nên dùng puller kiểu đánh trứng, rất nhẹ nhàng mà chính xác, không ảnh hưởng gì đến keycap cả.

Puller đi kèm là cái mẩu nhựa 2 càng bé bé kia
Puller đi kèm là cái mẩu nhựa 2 càng bé bé kia
Puller nhựa bên cạnh puller kiểu đánh trứng
Puller nhựa bên cạnh puller kiểu đánh trứng

Keycap

Thực sự là lúc đi mua mình không có khái niệm gì về chất liệu hay kiểu in của keycap cả. Nhìn thấy nó sần sần bám tay thì ưng thôi. Sau này mới biết đó là chất liệu PBT, dày và bền hơn ABS rất nhiều, nên không bị bóng keycap sau một thời gian (dài) sử dụng. Ngoài ra nó còn được đúc Doubleshot, nghĩa là ký tự không phải là in lên hay phun lên, mà nó được đúc 2 lần. Phần chữ sẽ được đúc trước, sau đó mới đến phần vỏ ngoài. Vì được đúc nên dù mặt phím có bị mòn đi nữa thì cũng không bị mất chữ. Cũng sau này tìm hiểu mới biết Leopold là hãng làm bàn phím mà có chất lượng keycap hàng đầu. Tên của chiếc phím có chữ "PD" chính là viết tắt của "PBT Doubleshot", các bản trước đó hãng họ làm kiểu chữ ninja nên chỉ in laser bình thường.

Keycap PBT Doubleshot
Keycap PBT Doubleshot

Nhưng cá nhân mình thấy các chữ trên keycap, đúng là có sắc nét nhưng không đều, nếu nhìn kỹ thì với cùng một chữ, đầu nét thì dầy, cuối nét thì mỏng, có lẽ là do khuôn đúc. Và vì chất liệu PBT họ làm khá là sần sùi, nên dễ bám bẩn. Chiếc phím của mình màu tối thì còn đỡ, thằng em có chiếc màu trắng rất dễ nhận ra cáu bẩn bám lại trên mặt phím màu cháo lòng. Tất nhiên là vệ sinh được nhưng cũng cần làm kỹ hơn để sạch hơn.

Số 5 trong F5 nét không đều
Số 5 trong F5 nét không đều

Trên chiếc phím này, các phím từ F6-F12 là phím dành cho media, nhưng lại không thấy họ nhắc đến trong sách hướng dẫn sử dụng, cũng không in hình chức năng media lên phím, có lẽ một phần cũng do triết lý thiết kế đơn giản nên hãng mới không làm. Nên mình mới dùng giấy thủ công, tỉ mỉ cắt những hình media nhỏ xíu rồi lấy băng keo nhám dán lên phím. Nhìn cũng OK đấy chứ!

Em yêu thủ công
Em yêu thủ công

Trải nghiệm

Đối với mình, ở chiếc phím này dùng Cherry MX Red là đã đủ yên lặng để dùng trên công ty. Tiếng ồn chỉ phát ra khi phím chạm đáy, và khi nhả ra bật lại vị trí ban đầu. Nếu muốn yên lặng hơn nữa thì có thể tiết chế lực của ngón tay, để không nhấn xuống quá mạnh, sau đó nhả từ từ để nó không bật mạnh lại. Nhìn chung nó không ồn hơn các bàn phím cao su văn phòng là mấy. Nhưng nếu gõ nhanh hoặc mạnh chẳng hạn, thì vẫn có tiếng lách tách rất nhẹ, và đanh, rất có cảm hứng, tạo sự khác biệt với xung quanh. Chứ nếu êm quá người ta lại không biết mình xài bàn phím cơ thì chán lắm :v

Cherry MX Red

Về cảm giác gõ thì cũng khó nói, vì nó rất chủ quan. Đây cũng mới là chiếc bàn phím cơ đầu tiên mình sử dụng, với Red switch là loại không có khấc xúc giác nữa, nên ban đầu có hơi hụt hẫng chút (so với khấc của phím sao su), nhưng càng gõ thì càng thấy ổn, một phần vì mình cũng hiểu cái switch hơn, nó không cần đi hết hành trình mới nhận lệnh như phím cao su, mà nhận lệnh ở lưng chừng giữa hành trình. Mình làm code với chiếc phím này không có vấn đề gì cả. Ngày nào cũng mong lên công ty để được gõ em nó, ngắm nhìn màu keycap tuyệt đẹp của nó. Vậy là đủ. Cảm giác gõ cuối cùng thì cũng để thoả mãn bản thân thôi mà, phải không?

Về layout tuy là đầy đủ, nhưng sẽ mất một chút thời gian để làm quen vì trước kia dùng bàn phím văn phòng toàn dạng fullsize, nên khi chuyển sang TKL dễ bị bấm hụt phía bên phải, vì đang quen cạnh phải bàn phím là nơi bàn phím số. Về sau đã quen rồi thì không vấn đề gì nữa.

Khi mới dùng những ngày đầu tiên, do bàn phím quá cao so với bàn phím cao su văn phòng bình thường, nên mình gõ chưa được tự tin. Sau đó có mua về kê tay bằng da, bằng gỗ để nâng cao tư thế của tay. Nhưng được một thời gian thì lại thấy kê tay là thừa. Bởi vì kê tay rời thì nó rất khó cố định vị trí, trong khi tay mình gõ không nhiều thì ít cũng phải di chuyển vị trí, vô tình làm lệch kê tay. Nếu không muốn lệch kê tay thì hoặc là phải rướn thêm chút nữa, hoặc là nhấc hẳn tay để di chuyển. Sau vài tuần loay hoay với kê tay mình quyết định không dùng nữa. Đây cũng là thời gian đã quen với độ cao của bàn phím rồi nên thấy việc gõ không kê tay là bình thường, tay lại còn được tự do di chuyển hơn. Mà tính ra độ cao của con này không cao lắm, từ thân bàn phím cũng thấp, keycap cũng là loại low profile cũng thấp, nên cũng nhanh làm quen và gõ thích.

Kết

Sau một thời gian sử dụng mình thấy chiếc phím này (mà có thể là tất cả những phím của Leopold) tập trung vào giá trị sử dụng thực sự của một chiếc bàn phím. Đối với mình là công việc làm code, chiếc phím này hoàn toàn đáp ứng tốt, chỉ cần mua nguyên bản về và sử dụng, layout vừa đủ, thiết kế đơn giản, lịch sự nhưng chắc chắn, nồi đồng cối đá, trải nghiệm chung đáp ứng tốt. Không hối hận khi chọn nó làm chiếc bàn phím cơ đầu đời. Tóm lại là ngon.

P/s: Sau khi có một số hiểu biết nhất định, mình đã không còn ghét bàn phím cơ nữa, vì cơ thì cũng có cơ thisthat, tất cả là do người dùng, lựa chọn phù hợp và sử dụng tinh tế thì ai cũng yêu.