Lên kế hoạch trước gần một tháng, sắp xếp công việc ngon nghẻ, xin nghỉ phép hẳn một tuần, có quá dư thời gian, nhưng không chờ được nữa, Chủ Nhật bắt đầu lên đường.
Lịch trình của mình tổng cộng 5 ngày 4 đêm, vừa đi vừa chơi, thăm thú nên bạn nào có nhiều thời gian thì mới đi được, nếu có ít thời gian hơn có thể bỏ qua thăm thú dọc đường, hoặc đi ô tô.
Ngày 1: 6h sáng Chủ Nhật, 25/12/2016 bắt đầu xuất phát theo hướng Hà Đông - Mai Châu - Mộc Châu - TP. Sơn La - Tông Lạnh, quãng đường khoảng 330km. Tối nghỉ tại Tông Lạnh (tên cũ: Tòng Lệnh, Tông Lệnh, thuộc huyện Thuận Châu, Sơn La).
Ngày 2: Thứ Hai, 26/12/2016. Ngày này thong thả hơn một chút, chỉ khoảng 170km. Cung đường Tông Lạnh - TP. Điện Biên Phủ - Mường Chà. Từ Tông Lạnh đi một chút là tới đèo Pha Đin, đến đây mới biết nó cũng là một di tích lịch sử. Khoảng 12h trưa đến Điện Biên Phủ, ăn cơm rồi đi thăm một số di tích nổi tiếng như Đồi A1, hầm tướng Đờ Cát, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Tối nghỉ ở Mường Chà.
Ngày 3: Thứ Ba, 27/12/2016, cũng tương đối nhẹ nhàng, chỉ khoảng 200km. Cung đường Mường Chà - Mường Nhé - Đồn biên phòng A Pa Chải. Đường từ Mường Chà lên Mường Nhé rất đẹp, chạy rất sướng nên mình có nhiều thời gian thảnh thơi. Từ Mường Nhé lên đồn cũng rải nhựa nhưng không đẹp bằng, có một số đoạn đang thi công, tốc độ vì thế mà giảm nhiều.
Đến đồn biên phòng A Pa Chải mới chỉ khoảng 4 rưỡi chiều. Trời chưa tối. Đồn nằm bên phải đường, bên trên một con dốc nhỏ, có một tấm bảng nhỏ chỉ dẫn nhưng nếu không để ý có thể sẽ đi qua mất. Đón tiếp mình là chú Trường, người chuyên trách về mảng du lịch ăn ngủ nghỉ. Chỉ cần xuất trình CMND là đủ điều kiện leo cột mốc. Hỏi thăm vài câu xong chú dẫn mình về phòng nghỉ. Nơi nghỉ gọi là nhà khách, nằm ngay trong đồn, là một nhà cấp 4 có 3 phòng, mỗi phòng 4 giường ngủ, vệ sinh bên trong luôn. Chú bảo mình muốn tắm nước nóng thì xuống dưới có bình năng lượng mặt trời, mình vâng dạ nhưng cuối cùng cũng tắm sơ bằng nước lạnh, nhường nóng lạnh cho bộ đội. Chú phổ biến luôn phí ngủ một đêm là 100k, ăn trưa/tối là 50 hoặc 100k, ăn sáng thì nhẹ nhàng tầm 20/30k. Còn phí dẫn đường là 400k, bất kể đoàn đông hay ít người. Nghe có vẻ hơi đắt nhưng cũng phải, vì ở đây đồn phải cắt cử chiến sĩ đi, các chiến sĩ cũng có nhiệm vụ ở trong đồn nữa mà, dù chỉ là lặt vặt.
Tắm rửa xong loanh quanh trong đồn, trời vẫn chưa tối hẳn, ngồi đốt thuốc trong ánh chiều buông nơi biên giới thật khó tả. May mà không "chiều biên giới anh thèm thuốc lào". Ngồi thêm chút nữa thì tiếng kẻng vang lên, đến giờ ăn cơm. Mình được gọi vào nhà ăn ăn cùng với bộ đội, cảm giác cũng khó tả nốt, vừa lạ, vừa gần gũi. Các anh bộ đội cực thân thiện, hỏi thăm mình suốt. Nhanh chóng biết được có anh Dũng đồng hương với mình, ở Sầm Sơn, anh hẹn tối rảnh thì qua phòng anh chơi.
Ăn xong ra ngoài lang thang cho xuôi cơm. Trời quang mây tạnh, nhìn rõ hàng ngàn ngôi sao lấp lánh trong đêm tối. Trong đồn nuôi rất nhiều chó, từ bé choắt đến lớn tồng ngồng, sơ sơ cũng hơn 10 con, bọn này quen cũng rất nhanh, lại quý người, chơi với chúng không xuể. Sau này mới biết được là nuôi nhiều chó vậy chủ yếu để thịt liên hoan vào những ngày quan trọng. Cũng buồn. Loanh quanh thì thấy trong đồn có hẳn một phòng có tivi cho các chiến sĩ xem truyền hình, ai thích xuống đó ngồi xem. Còn một phòng nữa cũng có tivi, có thêm cả bàn bi-a, mọi người đang đánh rất rôm rả. Ngồi tán phét được một lúc đi tìm anh Dũng thì không thấy đâu, về phòng nằm chơi.
Một lúc sau thì trong phòng xuất hiện thêm 3 người nữa. Một anh ở Sài Gòn, phóng xe máy qua Campuchia, Lào rồi chạy qua đây, cũng định lên cột mốc. Còn hai bạn kia thì vừa mới ở cột mốc về, hai bạn này đến đồn lúc giữa chiều, leo luôn nên giờ mới về muộn. Bốn người gặp nhau, lại là những người hay đi, có rất nhiều chuyện để nói. Tất cả cùng đi ngủ sớm, ngày mai ai cũng có hành trình riêng để khám phá.
Sáng hôm sau, 7h kém có một đồng chí đến gọi cả phòng dậy, dặn chuẩn bị để 7h bắt đầu lên cột mốc. Anh Sài Gòn tối qua nghe hai bạn kia kể, thấy hoảng hoảng sợ không đủ sức leo nên quyết định không đi nữa, mình nài nỉ mãi cũng không được, vậy là chỉ còn một mình. Dẫn mình đi là một đồng chí rất trẻ, sinh năm 97, tên Hà, lính mới, đang nghĩa vụ 2 năm, quê Phú Thọ. Hai anh em đi xe máy vào một đoạn để tiết kiệm thời gian. Đoạn đi xe máy được cũng khá xấu, được khoảng 9km. Đến đầu một đoạn đường đang làm, bỏ xe máy lại đó bắt đầu leo bộ. Hiện tại ở đây đang mở đường, tương lai sẽ có đường rải nhựa, ôtô vào được, rồi làm bậc thang hẳn hoi dẫn thẳng lên cột mốc. Nhưng đó là chuyện của 2 năm sau. Đoạn leo bộ còn lại chỉ khoảng 4km. Sau khi đi một đoạn trên con đường đang mở, Hà chỉ vào một bên đường, bảo túm dây cây rừng mà leo lên, bắt đầu từ đây là đi rừng, không men theo đường đang mở nữa. Đọc các bài chia sẻ kinh nghiệm leo cột mốc, thấy có nhắc đến đồi cỏ gianh, nhưng mình để ý tuyệt nhiên không thấy, có lẽ con đường mới mở đã dẫn vòng qua quả đồi đó rồi.
Tự nhiên sáng hôm nay trời rất âm u, nhiều mây mù, không có mặt trời, nên trong rừng đã ẩm lại càng ẩm hơn. Cứ đi được một lúc thì hai lỗ mũi đầy nước đọng. Đường đi cũng không khó khăn lắm, dốc đứng và dốc thoải liên tiếp nối nhau, thi thoảng có hòn đá to bự thì dựa vào đó nghỉ một chút rồi đi tiếp. Em Hà có vẻ ít nói, mình cũng vậy, nhưng chủ yếu là mình khơi chuyện, còn em Hà liên tục động viên "được nửa đường rồi anh ạ", "qua con dốc này là đến anh ạ", "còn hai trăm mét nữa thôi anh". Gần đến nơi, Hà bảo rẽ ngang sang đi cho dễ, thì ra là rẽ sang đường cầu thang của bên Trung Quốc. Đi cầu thang chỉ dễ hơn thôi, chứ rất nhanh mỏi chân, không thích bằng leo đường rừng. Hồi xây dựng cột mốc, năm 2005, Lào và Việt Nam chỉ góp kinh phí và giám sát xây dựng, còn Trung Quốc họ thi công, nên họ làm luôn cầu thang dẫn lên. Sau 1 tiếng 15 phút leo lên, cột mốc đã hiện ra trước mắt.
A Pa Chải là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Nơi này được mệnh danh là "1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy". Nằm ở độ cao 1864m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác.
A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. (Wikipedia)
Em Hà kể, cột mốc trước đây đã có lần bị phá hoại, không biết ai lên cạy mất hai quốc huy của Lào và Trung Quốc, biên phòng Việt Nam phát hiện ra, báo cho cả hai nước lên làm lại. Cho nên hiện tại, quốc huy của hai nước bạn làm bằng nhôm, rỗng bên trong, còn quốc huy của mình vẫn bằng đồng đặc từ xưa.
Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia. (Wikipedia)
Bên phía Trung Quốc, ở đầu cầu thang ngay sát cột mốc, họ có một phiến đá vuông vắn được khắc lên đó quá trình thi công cột mốc. Thầm nghĩ bên mình cũng nên làm thế. Chắc cũng sớm thôi, đường sắp mở, cầu thang sẽ làm, nơi đây sẽ lại có dân đến định cư nhiều và đón nhiều đoàn khách nữa. Hôm nay mây mù quá trời nên không thể nhìn xa được, khắp nơi một màu trắng xóa, gió lạnh liên tục thổi qua. Ngồi trên này nửa tiếng, chủ yếu nghe Hà kể chuyện cột mốc, chuyện thường ngày ở đồn. Tết cậu không được về, mà 2 năm nghĩa vụ chỉ được có 10 ngày phép.
Điều đặc biệt là mình leo cột mốc đúng vào sinh nhật mình. Lúc đầu ở nhà nghĩ sẽ mang cái này cái nọ lên làm sinh nhật, nhưng lúc đó thấy rằng chỉ cần được chạm tay vào cột mốc vô cùng ý nghĩa này là đã rất đáng nhớ rồi.
Ngồi thêm một lúc nữa anh em rủ nhau đi xuống, cho kịp giờ cơm trưa ở đồn. Kịp giờ cho Hà ăn thôi chứ mình sẽ chạy luôn ra Mường Chà. Xuống đến đồn làm thủ tục "checkout" với chú Trường rồi cảm ơn chú, tạm biệt chú xuống phòng nghỉ thu dọn đồ đạc để đi luôn. Chia tay đồn biên phòng A Pa Chải. Tối đó nghỉ ở Mường Chà. Ngày hôm sau nghĩ thế nào làm một mạch từ đó về Thanh Hóa, quãng đường hơn 500km. Đại khái là cũng hơi gắt, nếu thảnh thơi các bạn có thể chia 500km ra làm 2 ngày (khoảng cách về Hà Nội cũng tương đương thế, không khác biệt nhiều).
Một chuyến đi thành công và được mọi thứ ủng hộ, không có gì phải phàn nàn. Chạy bứt tốc về quê cũng là để được nghỉ ở nhà nhiều hơn, chứ chạy xe mãi trên này lạnh cóng sắp chịu không nổi ;)